Theo các chuyên gia, blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối chứa đựng các thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với các khối trước đó.
Blockchain về cơ bản sẽ góp phần thay đổi ngành nông nghiệp toàn cầu và cải thiện đáng kể khả năng của các công ty và cá nhân trong việc theo dõi sản xuất và chế biến các sản phẩm nông nghiệp.
Thế nhưng, tại Việt Nam, ứng dụng blockchain trong nông nghiệp là rất mới. Hiện, công nghệ cùng với đất đai, tuổi thọ chính sách và liên kết giữa doanh nghiệp với người nông dân, vẫn là 4 nút thắt căn bản trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Khó tiếp cận chuỗi giá trị cao
Nông nghiệp, sinh kế của hơn 70% dân số Việt Nam. Tuy nhiên, giá cao hơn, mẫu mã và chất lượng không đồng đều, đang là những yếu tố khiến sản phẩm nông sản của Việt Nam khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các quốc gia trong khu vực như: Thái Lan, Singapore, Malaysia... ở cả trên thị trường quốc tế và trong nước.
Chính phủ Việt Nam những năm gần đây đã có những chính sách, giải pháp khuyến khích áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Tuy nhiên, những công nghệ đang áp dụng không nhiều ý nghĩa, khi chưa chứng minh được chất lượng sản phẩm.
TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cho biết, sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đang thua trên hầu hết các thị trường hàng hóa. Ông nói, minh bạch thông tin là điểm “yếu kém nhất”.
Trên thị trường thế giới, hạt tiêu của Thái Lan được bán với giá 150.000 đồng/kg trong khi hạt tiêu của Việt Nam chỉ bán được 90.000 đồng/kg, TS. Thế Anh dẫn chứng. Ông cho rằng, nếu không áp dụng công nghệ cao, sản phẩm của Việt Nam rất “khó tiếp cận chuỗi giá trị cao”.
Ứng dụng công nghệ với giá 0 đồng
DRED Inc, ngày 24.4, đã đạt được thỏa thuận với We Love Farms, cho ứng dụng công nghệ để minh bạch hóa nguồn gốc và chất lượng sản phẩm nông nghiệp bằng công nghệ DRED Supply chain.
Nền tảng DRED Supply chain được tối ưu hóa bằng thiết kế Hybrid, giúp DRED Supply chain đảm bảo được việc theo dõi nguồn gốc một sản phẩm trong thời gian thực, với 3 ưu điểm chính: khả năng hiển thị minh bạch, khả năng tối ưu và truy xuất nguồn gốc.
Ông Sun Nguyễn, Giám đốc Điều phối We Love Farms nhấn mạnh đến khả năng tăng tính minh bạch. Ông giải thích nếu các công ty Việt Nam và các công ty quốc tế tham gia ứng dụng blockchain, sẽ cải thiện được tính chính xác của lô hàng tương ứng với sự hài lòng của khách hàng.
Đến nay, tại Việt Nam chưa có công ty nào làm về blockchain nông nghiệp, ông Sun Nguyễn cho biết. Ông nói chọn công nghệ DRED cho phát triển nền tảng của We Love Farms sau khi đã nghiên cứu kỹ.
Dù vậy, khi ứng dụng công nghệ này, theo ông Sun Nguyễn, We Love Farms sẽ phải thay đổi toàn bộ thể chế của Công ty. Nhưng ông tin rằng, công nghệ DRED Supply Chain sẽ giúp các khách hàng của We Love Farms tiết kiệm được khoản tài chính lớn từ chi phí hoạt động, chi phí tiếp thị, đồng thời giúp các công ty, nông trại, và các hệ thống bán lẻ kết nối trực tiếp tốt hơn.
Một điểm dễ thấy, Việt Nam đang quan tâm đến blockchain. Ông Đức Nguyễn, Co-founder DRED, chia sẻ với Hanoi Morning Post rằng, hầu hết các chính sách của Chính phủ Việt Nam đều rất mở, hướng đến việc sử dụng blockchain để giúp doanh nghiệp ngành nông nghiệp phát triển hơn và cạnh tranh trên quy mô toàn cầu.
Việc áp dụng công nghệ blockchain được kỳ vọng phát triển rộng rãi trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam, nhờ khả năng chuyển giao các tài sản có giá trị với độ tin cậy, tính minh bạch và bảo mật.
Người đứng đầu DRED Inc nói có nhiều việc phải làm và phải mất từ 9-12 tháng, mới ra được sản phẩm cho các công ty của Việt Nam. Đó là khi các khách hàng trên toàn thế giới yên tâm hơn khi mua sản phẩm do có thể truy cứu thành phần, quy trình các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.
We Love Farms cam kết: “Các doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm và dược sẽ không phải đầu tư tài chính cho ứng dụng công nghệ blockchain, tức là đầu tư ứng dụng công nghệ với giá 0 đồng. Và chỉ phải chia lại một phần nhỏ cho We Love Farms sau khi bán được hàng hóa”.
Theo ông Đức Nguyễn, Việt Nam có điều kiện tri thức khá cao về công nghệ thông tin, việc áp dụng công nghệ blockchain vào nông nghiệp là không khó. Tuy nhiên, ông cũng chỉ rõ việc “chuẩn hóa khâu sản xuất” đang là “cái khó nhất” đối với của doanh nghiệp Việt Nam.
Hạn chế chính trong chuỗi giá trị nông sản Việt Nam là khâu sản xuất, vấn đề đầu vào: sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Ông Đức Nguyễn nói với Hanoi Morning Post về quan ngại mọi chỉ số sẽ bị “phơi bày” nếu doanh không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong suốt quá trình sản xuất.
Công nghệ blockchain có thể được sử dụng để mang lại kết quả tích cực nhưng việc sự quản trị, giám sát sự phát triển của blockchain là cần thiết. Muốn vậy, Chính phủ cần sớm tạo dựng một khung pháp lý hoàn thiện và thống nhất trong việc quản lý các hoạt động liên quan đến blockchain.
Theo Hanoi Morning Post
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét